Home Thuật Ngữ

Các Đề Xuất Cải Tiến Ethereum

Bắt Đầu
Thuật Ngữ
8 Jun 2022

Các Đề Xuất Cải Tiến Ethereum (EIP) là tài liệu với các tính năng và quy trình được đề xuất nhằm tạo ra những thay đổi tiềm năng cho blockchain Ethereum. Bất kỳ thành viên nào của cộng đồng Ethereum cũng có thể gửi những đề xuất này lên nền tảng Ethereum.

Thông thường, các nhà phát triển hoặc nhóm các nhà phát triển sẽ gửi một EIP dựa trên những thay đổi mà họ tin rằng sẽ cải thiện giao thức và mạng Ethereum. Các đề xuất được đánh giá và thảo luận bởi các nhà phát triển cốt lõi của Ethereum, những người quản lý kho lưu trữ của nó trên nền tảng GitHub. Các EIP trải qua các giai đoạn đánh giá khác nhau. Nếu cuối cùng được chấp nhận, chúng thường được nhóm lại với nhau để tạo thành các bản nâng cấp được gọi là “fork”.

Các Loại EIP

Dưới đây là một số danh mục của Đề Xuất Cải Tiến Ethereum:

  • Các EIP Theo Dõi Tiêu Chuẩn liên quan đến những thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hầu hết hoặc tất cả việc triển khai Ethereum. Chúng bao gồm những cải tiến đối với giao thức mạng và những thay đổi trong quy định giao dịch.

  • Các EIP mạng là các đề xuất thay đổi các đặc điểm kỹ thuật của giao thức mạng.

  • Meta EIP liên quan đến các yêu cầu và hoạt động được áp dụng cho các khu vực khác với giao thức mạng.

  • Giao diện EIP đề xuất các cải tiến cho các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật của người dùng.

  • EIP Đề Nghị Duyệt Thảo Ethereum (ERC) liên quan đến các tiêu chuẩn và quy ước xung quanh các ứng dụng.

  • Các EIP cung cấp thông tin liên quan đến các hướng dẫn về thiết kế thực tế của Ethereum.

  • Các EIP cốt lõi là các đề xuất yêu cầu “fork đồng thuận”.

Tất cả các Đề xuất Cải Tiến Ethereum đều phải trải qua một số giai đoạn trước khi được thông qua:

  • Dự thảo: Một EIP đang được xem xét.

  • Điều Chỉnh Cuối Cùng: Một EIP đã chuyển qua các giai đoạn ban đầu và đang chờ xét duyệt.

  • Cuối Cùng (Phi cốt lõi): Một EIP đã ở Điều Chỉnh Cuối CÙng trong ít nhất hai tuần và đã giải quyết tất cả các vấn đề kỹ thuật.

  • Cuối cùng (Cốt lõi): Một EIP không được thông qua trong kì sắp tới nhưng được xem xét để áp dụng sau này.

Các Đề Xuất Hiện Tại

Có một số EIP hiện đang trong giai đoạn phát triển. Một số trong đó, chẳng hạn như EIP-2718 và EIP-2930 hướng đến giới thiệu các hình thức giao dịch mới. Các EIP khác lại tập trung vào việc thực hiện các giao dịch và hợp đồng thông minh an toàn hơn. EIP-1559 nổi bật nhất hiện tại có mục đích thay đổi bản chất của cấu trúc phí của các giao dịch Ethereum để giảm phí giao dịch và tăng độ hiệu quả.

Tăng Phí Giao Dịch

Ethereum có tốc độ giao dịch hiệu quả cao, trung bình khoảng 10 đến 15 mỗi giây. Điều này đặt nó vượt lên đáng kể so với các loại tiền điện tử lớn khác như Bitcoin, trung bình từ 3 đến 5 giao dịch mỗi giây. Hiệu suất này là một trong những thuộc tính làm cho Ethereum trở thành blockchain được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thành công này đã nhanh chóng làm tăng tình trạng tắc nghẽn mạng khiến chi phí giao dịch tăng lên đáng kể. Phí giao dịch trung bình hiện là $40.

Tuy Ethereum đang phát triển nhanh chóng, một số người dùng đã chuyển sang các hệ thống blockchain khác do mức phí ngày càng tăng của nó. Mặc dù phí giao dịch giúp vận hành mạng và ngăn cản các tác nhân xấu, nhiều người dùng Ethereum lo ngại rằng các khoản phí này đang tăng quá nhanh.

Do đó, một số hoạt động nhỏ hơn đã chuyển sang các blockchain khác. Các đối thủ của Ethereum, chẳng hạn như Solana, NEAR và Cardano đang nổi lên và cung cấp chi phí giao dịch thấp hơn đáng kể. EIP-1559 có mục tiêu là giải quyết vấn đề tăng phí giao dịch.

Giao Thức Sắp Được Trình Làng EIP-1559 

Các thông số kỹ thuật của giao thức cốt lõi EIP-1559 bao gồm đề xuất thay đổi bản chất của các giao dịch blockchain Ethereum. Người đồng sáng lập Ethereum, Vitalik Buterin, ban đầu đưa ra đề xuất này vào năm 2019. Trong những tháng gần đây, nó đã trở nên nổi bật và sẽ là một trong những đề xuất được kết hợp với nhau trong đợt nâng cấp hard fork London vào tháng 7/2021.

EIP-1559 sẽ giới thiệu một hệ thống hai cấp mới cho các giao dịch Ethereum. Hiện tại, các giao dịch liên quan đến “phí gas” do người dùng trả cho các thợ đào Ethereum để đưa các giao dịch của họ vào một khối. Người dùng phải ước tính phí gas dựa trên việc sử dụng mạng tại thời điểm giao dịch. Trên thực tế, các phí được quyết định trong một hệ thống đấu giá tiêu chuẩn. Vì không có giới hạn hiện tại về phí giao dịch, chi phí có thể rất cao. Về lý thuyết, EIP-1559 có thể giúp người dùng tiết kiệm tới 90% phí giao dịch.

Phí giao dịch và thời gian xử lý hiện khá khó lường cho người dùng. Khi việc sử dụng Ethereum liên tục tăng, tắc nghẽn mạng và phí gas cũng tăng theo. Điều này có thể gây ra sự cố cho người dùng mới hơn của mạng Ethereum và các hoạt động nhỏ hơn. Điều đó cũng có nghĩa là một số người dùng phải trả nhiều tiền hơn những người khác để giao dịch của họ được thêm vào trong cùng một khối, điều khiến cho một số người tin rằng hệ thống đấu giá hiện tại về cơ bản là không công bằng.

Hệ Thống Hai Tầng

Hệ thống hai cấp của EIP-1559 sẽ loại bỏ một phần của sự không thể đoán trước và phỏng đoán khỏi các giao dịch Ethereum. Nó sẽ giới thiệu một BASEFEE được xác định theo thuật toán cho mỗi giao dịch. BASEFEE sẽ thay đổi tùy thuộc vào khối lượng lưu lượng mạng tại thời điểm giao dịch. Người dùng có thể đặt giới hạn phí nếu BASEFEE thay đổi giữa thời điểm bắt đầu giao dịch và việc bao gồm nó trong một khối.

EIP-1559 có mục tiêu duy trì mức sử dụng mạng ở mức khoảng 50%. Khi việc sử dụng vượt quá con số này, BASEFEE sẽ tăng lên; khi mức sử dụng giảm xuống dưới 50%, BASEFEE sẽ giảm. Tất cả các giao dịch trong cùng một khối sẽ khiến người dùng trả một số tiền như nhau.

Hệ thống cũng sẽ làm cho các giao dịch Ethereum hiệu quả hơn bằng cách khuyến khích các thợ đào để giảm thiểu sự chậm trễ trong giao dịch. Đề xuất cải tiến Ethereum hướng đến việc giới thiệu các khối linh hoạt, có thể dễ dàng điều chỉnh theo nhu cầu tại bất kỳ thời điểm nào. Hiện tại, các giao dịch thường sử dụng kích thước khối cố định. Thay đổi sẽ cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng của Ethereum và cho phép thực hiện giao dịch nhanh hơn.

Tiền Tip Tùy Chọn

Người dùng cũng sẽ có tùy chọn thêm vào các tiền tip để khuyến khích các thợ đào xúc tiến các giao dịch của họ. Người dùng sẽ quyết định số tiền họ sẵn sàng trả - trên BASEFEE - để tăng tốc giao dịch của mình. Các thợ mỏ sẽ giữ tất cả các tiền tip, nhưng sẽ không còn nhận được phí gas. Điều này đã làm cho EIP 1559 có lẽ là EIP gây tranh cãi nhất trong lịch sử của Ethereum.

Cơ Chế Khan Hiếm

Như đã đề cập ở trên, BASEFEE được đề xuất như một phần của EIP 1559 sẽ bị “đốt” khi sử dụng. Điều này sẽ liên tục làm giảm số lượng Ether (ETH) đang lưu hành, khiến cho nhiều người hiểu EIP 1559 là “động cơ khan hiếm” của Ethereum. Khi ít tiền điện tử được lưu hành hơn, giá trị của nó sẽ tăng lên cùng với sự khan hiếm của nó. Điều này sẽ làm cho EIP 1559 trở thành một biện pháp giảm phát, có khả năng tăng sức mạnh thị trường của Ethereum.

Các loại tiền điện tử lớn khác nhau sử dụng cơ chế khan hiếm của riêng chúng. Ví dụ, Bitcoin sử dụng "sự kiện giảm một nửa" khoảng bốn năm một lần. Phần thưởng cho việc khai thác Bitcoin được chia đôi, làm giảm một nửa tỷ lệ lạm phát của nó. EIP 1559 sẽ hoạt động dần dần cho Ethereum nhưng cuối cùng có thể có tác động tương tự.

Phản Ứng Từ Thợ Đào

Các thợ đào Ethereum phần lớn không ấn tượng với EIP-1559. Điều này không có gì đặc biệt đáng ngạc nhiên, vì phí gas chiếm khoảng một nửa tổng phí của họ. Thay vì chuyển cho các thợ đào, phí cơ bản sẽ được đưa ra khỏi phạm vi lưu thông. Mặc dù các thợ đào vẫn giữ tiền tip của họ, nhưng số tiền này sẽ không tương đương với số tiền kiếm được thông qua phí gas. Nếu EIP-1559 thành công giúp cho các giao dịch trở nên hiệu quả hơn về tổng thể, thì điều này cũng có thể khiến một số người dùng không muốn trả tiền tip cho các giao dịch không khẩn cấp.

Các mỏ đào Ethereum lớn như Flexpool và Bitly phản đối mạnh mẽ EIP 1559. Flexpool thậm chí đã chạy một chiến dịch tiếp thị phản đối những thay đổi được đề xuất. Nhìn chung, ước tính rằng các nhóm khai thác phản đối EIP-1559 chiếm một nửa tổng tỷ lệ hash của Ethereum, một thuật ngữ đề cập đến tổng sức mạnh tính toán được sử dụng để khai thác và xử lý các giao dịch trong một hệ thống blockchain. Riêng Bitly đã chiếm khoảng 20% ​​tỷ lệ hash của Ethereum. Điều này có nghĩa là sự phát triển của EIP-1559 có thể là một fork quan trọng trên con đường phía trước cho sự phát triển của Ethereum nói chung.